08.04.2014
Chiều 8/5, trường Đại học Y Kanazawa, Nhật Bản, phối hợp cùng Sở Y tế Đồng Nai đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu ảnh hưởng dioxin đối với trẻ sơ sinh.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu dioxin giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, từ tháng 9/2012 các bác sĩ của trường Đại học Y Kanazawa đã tiến hành lấy hơn 200 mẫu máu và cuống rốn của các bé sau khi sinh tại 10 phường phụ cận sân bay Biên Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, khi những trẻ này được một tháng tuổi. Nhóm nghiên cứu tiếp tục lấy mẫu sữa và kiểm tra sự phát triển thần kinh của bé khi tròn 6 tháng tuổi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi sinh các em bé có chu vi vòng đầu và bụng cao hơn qua so sánh giữa Biên Hòa và Đà Nẵng; không có sự khác biệt về kích thước cơ thể khi sinh và thời điểm được 1 tháng tuổi giữa các bé thuộc 10 phường của Biên Hòa; một số ca sinh non, trọng lượng khi sinh thấp và tăng cân chậm trong tháng đầu tiên được ghi nhận ở các phường.

Tổng tương lượng độc của dioxin trong sữa các bà mẹ sinh con đầu lòng ở Biên Hòa cao hơn các vùng không phun rải chất độc hoá học, nhưng thấp hơn ở Đà Nẵng và Phù Cát (Bình Định); nồng độ dioxin và tỉ lệ phần trăm dioxin trong sữa các bà mẹ sinh con đầu lòng cao hơn các vùng khác (bao gồm cả các điểm nóng); tổng tương lượng độc của dioxin trong sữa các bà mẹ sinh con đầu lòng tăng theo tuổi của mẹ. Đến thời điểm trẻ 6 tháng tuổi, nhóm nghiên cứu đã có những đánh giá ban đầu về sự phát triển thần kinh của các em bé. Tuy nhiên, các chuyên gia sẽ kiểm tra lại em bé khi trẻ được 2 tuổi.

Đại diện Trường đại học Y Kanazawa cho biết, chương trình nghiên cứu này sẽ tiếp tục cho đến khi trẻ 2 tuổi. Ngoài ra, thời gian tới phía Việt Nam và Nhật Bản sẽ nghiên cứu nguy cơ phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm tại thành phố Biên Hòa, bởi trong môi trường hàng ngày, hơn 90% lượng dioxin đi vào cơ thể qua con đường thực phẩm như cá và các thực phẩm có nguồn gốc từ sữa động vật.

Theo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Đồng Nai, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã lưu giữ tại sân bay Biên Hòa hơn 98.000 thùng phuy loại chứa 205 lít chất da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh. Khoảng thời gian từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, đã có ít nhất 4 sự cố gây chảy tràn chất diệt cỏ với 25.000 lít được lưu giữ tại sân bay này.

Hiện mức độ ô nhiễm dioxin đo được tại sân bay Biên Hòa vượt ngưỡng cho phép rất cao. Riêng năm 2009-2010, tỉnh Đồng Nai đã phát hiện thêm 3 điểm ô nhiễm dioxin nặng khu vực phụ cận sân bay Biên Hòa. Trước thực trạng này, tỉnh Đồng Nai mong rằng nghiên cứu của Trường đại học Y Kanazawa sẽ đưa ra những kết qủa, căn cứ y học cụ thể để tỉnh có những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm dioxin trong cộng đồng.

Tại hội thảo, một số kết quả nghiên cứu dioxin tại 2 quận của thành phố Đà Nẵng cũng đã được đưa ra. Dù chưa tìm thấy rõ ràng con đường phơi nhiễm dioxin tại khu vực nghiên cứu, song kết qủa này cũng gợi ý, những bà mẹ có cùng độ tuổi nhưng sinh sống trong khu vực ô nhiễm dioxin lâu dài hơn thì có nồng độ dioxin trong sữa mẹ cao hơn. Việc sử dụng nước giếng đào và ăn các loại tôm, cua có thể liên quan tới tăng nồng độ dioxin trong sữa mẹ. Thịt và thói quen ăn thịt có thể không phải là nguồn ô nhiễm dioxin. Nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên hệ giữa cá và thói quen ăn cá với nồng độ dioxin trong sữa mẹ./.

Số lần đọc: 966
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Tiêu đề gởi *
Nội dung gởi *
 
Nhập chữ và số ở trên
 
 
Tin liên quan