23.12.2015
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC NĂM 2015 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2016
I.- Đặc điểm, tình hình: Tỉnh Kiên Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phía Tây Nam tổ quốc, trong chiến tranh chống Mỹ không phải là vùng trọng điểm rải chất độc hóa học, nhưng số lượng bom đạn và chất độc hóa học do Mỹ dội xuống vùng U Minh Thượng và một số vùng tây sông Hậu (là khu căn cứ cách mạng) đã và đang để lại hậu quả nặng nề về môi trường và con người, nhiều người dân sống ở vùng này bị phơi nhiễm chất độc hại, dẫn đến nhiều hệ lụy cho các thế hệ sau này. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, tạo điều kiện chăm lo về đời sống, nhà ở…, đời sống nạn nhân chất độc da cam có vươn lên. Tuy nhiên, một số gia đình nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật đặc biệt nặng nghi nhiễm chất độc hóa học đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần sự trợ giúp của cộng đồng. Nguyện vọng các gia đình nạn nhân chất độc da cam đang hưởng chính sách rất mong được thành lập Hội cấp huyện để có điều kiện gặp gỡ, trao đổi những vướng mắc trong chính sách và có điều kiện được Hội quan tâm giúp đỡ, chăm sóc tốt hơn. Qua một năm hoạt động có nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, để đánh giá công việc làm được, chưa được với chức trách được giao, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Kiên Giang báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2015 (số liệu tính đến ngày 30/11/2015) và phương hướng hoạt động năm 2016 như sau: II.- Đánh giá kết quả các mặt công tác: 1/- Công tác tổ chức, chính sách: a) Công tác tổ chức: - Công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội: hiện nay chỉ có 01 Hội trực thuộc tại thành phố Rạch Giá, trong năm chưa tổ chức thành lập được Hội trực thuộc tại các huyện có đông nạn nhân chất độc da cam. - Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Rạch Giá nhiệm kỳ II (2015-2020); trong Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 15 vị, Ban Thường vụ 05 vị. - Công tác phát triển hội viên: Tổng số hội viên chính thức hiện nay là 738, không có hội viên danh dự (đã chuyển công tác khác). b) Công tác chính sách: - Chính sách người có công: + Tổng số nạn nhân chất độc da cam trực tiếp đang hưởng chính sách là 740 đối tượng (tăng 116 đối tượng so số liệu tháng 12/2014, đa số tăng là đối tượng bị bệnh tiểu đường typ 2). Trong đó: mức 1 (81% trở lên): 15; mức 2 (61-80%): 92; mức 3 (41-60%): 518; mức 4 (từ 21-40%): 115 đối tượng. + Tổng số con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng chính sách là 465 (tăng 04 đối tượng); trong đó mức 1 (không tự lực trong sinh hoạt) là 100 và mức 2 (còn tự lực) là 365 đối tượng. - Qua bước đầu khảo sát ở một số huyện có đông nạn nhân chất độc da cam đang hưởng chính sách, số cháu của nạn nhân CĐDC bị dị dạng, dị tật là 12 người. - Hiện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đang thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho 14.275 đối tượng khuyết tật, trong đó đối tượng đặc biệt nặng là 3.997 và đối tượng nặng là 9.492; trong số đối tượng khuyết tật đang hưởng bảo trợ xã hội có khoảng 40% là dân thường nghi nhiễm chất độc da cam, do chưa có điều kiện xác định. 2/- Công tác tuyên truyền, thi đua: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy-UBND tỉnh Kiên Giang, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam và chương trình công tác của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Kiên Giang, Tỉnh hội và Hội trực thuộc thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành, đoàn thể liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến nạn nhân chất độc da cam trong cán bộ, hội viên và nạn nhân, đưa tin và hình ảnh hoạt động của Hội, những cảnh đời bất hạnh của các nạn nhân, vận động ủng hộ gây quỹ giúp đỡ, chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo với nhiều hình thức. Nhân kỷ niệm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8/2015”, được sự thống nhất của UBND tỉnh, Tỉnh hội đã tổ chức buổi họp mặt tại huyện An Minh có sự tham dự của trên 200 nạn nhân chất độc da cam và lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo của 4 huyện có đông nạn nhân chất độc da cam: huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Minh và An Biên, trong buổi họp mặt Tỉnh hội báo cáo về kết quả công tác đã thực hiện được trong thời gian qua và chương trình công tác thời gian tới, tuyên truyền ủng hộ về vụ kiện của bà Trần Tố Nga đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, các chính sách của Đảng-Nhà nước có liên quan đến nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh, đồng thời trao Thẻ hội viên đến các nạn nhân chất độc da cam tự nguyện tham gia Hội; các nạn nhân chất độc da cam tham dự họp mặt rất phấn khởi, trao đổi ý kiến về tình hình công tác Hội; tình hình đời sống, sức khỏe, động viên nhau khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. 3/- Công tác vận động nguồn lực: Để có điều kiện thực hiện công tác chăm lo và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, Tỉnh hội và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Rạch Giá đã xây dựng kế hoạch - gởi Thơ ngỏ vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở từ thiện, nhà hảo tâm … Kết quả Tỉnh hội đã nhận được sự nhiệt tình ủng hộ các gia đình nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo với tổng số tiền 643.305.300 đồng (Sáu trăm bốn mươi ba triệu, ba trăm lẽ năm ngàn ba trăm đồng), trong đó: - Thu tiền mặt: 320.305.300 Cụ thể: Tỉnh hội vận động: 300.305.300 Trung ương Hội hỗ trợ: 20.000.000 - Quà trị giá: 323.000.000 4/- Công tác chăm sóc nạn nhân: Bằng nguồn vận động, hỗ trợ của Trung ương Hội và nguồn tích lũy của quỹ Hội, trong năm 2015, Tỉnh hội đã thực hiện tốt công tác chăm lo, trợ giúp các gia đình nạn nhân CĐDC, kết quả: - Tặng quà Tết Nguyên đán Ất Mùi và “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8/2015”: tổng số trên 1.000 phần quà tại các huyện, số tiền 323.640.000 đồng. - Tặng quà (trực tiếp) thường xuyên và đột xuất: trên 900 phần với số tiền 323.000.000 đồng. - Trợ cấp học bổng (học kỳ II năm học 2014-2015 và HK I năm học 2015-2016) cho 04 em học sinh là người khuyết tật có tinh thần vượt khó trong học tập, số tiền 8.500.000 đồng. - Trợ cấp khó khăn, khám chữa bệnh: 20.200.000 đồng. - Tặng 10 chiếc xe lăn (do TW Hội hỗ trợ): 20.000.000 đồng. Tổng cộng, trong năm 2015, Tỉnh hội đã trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền: 695.340.000 đồng (Sáu trăm chín mươi lăm triệu ba trăm bốn mươi ngàn đồng). Ngoài ra, trong công tác phối hợp với các đoàn thể chính tri-xã hội thành viên, Hội Cựu Chiến binh đã hỗ trợ cất 04 căn nhà cho các đối tượng nạn nhân chất độc da cam (hiện đã giải ngân và tiến hành cất 03 căn, mỗi căn 50.000.000 đồng). + Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Rạch Giá, trong năm 2015 đã vận động được 15.250.000 đồng; đã tặng quà nhân Tết nguyên đán và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho 70 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố với số tiền 21.000.000 đồng. + Hiện tỉnh Kiên Giang có trên 50 đối tượng là người nghi nhiễm chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý. 5/- Công tác Ban Kiểm tra: - Ban Kiểm tra thường xuyên quan tâm đến công tác giàm sát, kiểm tra việc thực hiện công tác của Tỉnh hội; đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, việc sử dụng các nguồn quỹ được ngân sách cấp và quỹ vận động; qua kiểm tra không phát hiện sai sót, thực hiện chức năng của Hội theo đúng Điều lệ, sử dụng nguồn quỹ có chứng từ, sổ sách, rõ ràng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động của Hội. - Qua đơn tố cáo của người dân, Thành hội Rạch Giá đã kết hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức kiểm tra và báo cáo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh 01 trường hợp (tại phường An Bình-thành phố Rạch Giá) khai gian hồ sơ để hưởng chính sách nạn nhân chất độc da cam. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã có Quyết định đình chỉ trợ cấp hàng tháng và thu hồi số tiền 66.363.000 đồng do đối tượng đã hưởng sai từ tháng 02/2012 đến tháng 05/2015. 6/- Công tác thi đua-khen thưởng: Hàng năm, Tỉnh hội có xây dựng Kế hoạch về công tác thi đua-khen thưởng; ký kết giao ước và đăng ký thi đua giữa các thành viên trong Khối thi đua 9. 7/- Các mặt công tác khác: - Thực hiện chương trình công tác năm 2015, Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch về vận động và tổ chức “Kỷ niệm 54 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2015)” và “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam -10/8”; gởi Thơ ngỏ vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo-từ thiện, các nhà hảo tâm … ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam; Tỉnh hội tổ chức các đoàn đến thăm viếng, động viên và tặng quà các gia đình nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cũng nhân dịp này Tỉnh hội đã tổ chức trao Thẻ hội viên cho các nạn nhân chất độc da cam ở các huyện. - Tỉnh hội thường xuyên liên hệ và phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh&Xã hội, Hội Cựu Chiến binh và Hội Chữ thập đỏ các huyện, thị về nắm lại tình hình thực tế của các nạn nhân và người khuyết tật trên địa bàn huyện, thị để có điều kiện giúp đỡ kịp thời khi khó khăn. - Tham gia Ban rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 02 năm (2014-2015) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Về những vấn đề liên quan đến nạn nhân chất độc da cam: qua khảo sát có 594 đối tượng hưởng chính sách nạn nhân chất độc da cam thực hiện đúng chủ trương; có 13 hồ sơ tồn đọng: giải quyết 01, hướng dẫn xác lập hồ sơ lại: 04, trả lại hồ sơ không đủ điều kiện: 08. - Tham gia Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. - Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động năm 2015 giữa Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh và Hội Cựu Chiến binh tỉnh Kiên Giang. 8/- Đánh giá chung: Căn cứ vào phương hướng hoạt động năm 2015 của Tỉnh hội đề ra, trong 1 năm hoạt động Tỉnh hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho những con người bất hạnh, giúp cho họ có niềm tin vào cuộc sống. Tỉnh hội luôn được sự quan tâm theo dõi chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ngành chức năng tạo mọi điều kiện cho Hội hoạt động: - Nhân dịp kỷ niệm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam -10/8/15; Tỉnh hội đã xin ý kiến và được sự thống nhất của UBND tỉnh, sự nhiệt tình hỗ trợ phương tiện để các nạn nhân chất độc da cam tham dự họp mặt tại huyện An Minh; ngoài ra trong buổi họp mặt còn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện; đó là điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động và là nguồn động viên tinh thần của các cán bộ-hội viên và nạn nhân chất độc da cam. - Tỉnh hội xác định công tác chăm lo, giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam đạt được kết quả tốt là phải được sự phối hợp chặc chẽ của các đoàn thể chính trị, xã hội khác, mặc dù chưa thành lập được các Hội trực thuộc ở các huyện, nhưng Tỉnh hội đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, cơ quan, ban ngành có liên quan trong việc thực hiện công tác Hội. - Tuy tình hình kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn, nhưng qua công tác tuyên truyền của các cơ quan truyền thông và sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, Tỉnh hội và Hội trực thuộc đã cố gắng đổi mới phương thức vận động trong cộng đồng, thực hiện tốt công tác chăm lo cho các đối tượng nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật, nhất là các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó đã tạo được lòng tin trong cộng đồng, uy tín đối với các cấp lãnh đạo và tạo điều kiện hoạt động tốt cho Hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành hoạt động, Tỉnh hội còn có những hạn chế như: - Chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi mà Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng hộ trợ, từ đó chưa tập hợp được nhiều nạn nhân và nhiều tổ chức xã hội cùng chung tay với Hội để chăm lo một cách thiết thực cho nạn nhân chất độc da cam. - Trong việc báo cáo những vấn đề do Trung ương Hội đề nghị, Tỉnh hội vẫn còn nhiều hạn chế, như việc khảo sát các con, cháu của nạn nhân bị dị dạng, dị tật, xác định số người dân bị nghi nhiễm chất độc hóa học, người đến công tác tại vùng bị rãi chất độc hóa học bị nhiễm …, do chưa có điều kiện khảo sát chính thức. - Ban Chấp hành Hội hoạt động không đều, chủ yếu hoạt động thường xuyên trong bộ phận Thường trực và cán bộ chuyên trách; việc nắm phân loại đối tượng nạn nhân chưa được chặc chẽ. - Chưa làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo tỉnh trong việc tổ chức thành lập Hội trực thuộc ở các huyện đông nạn nhân chất độc da cam, từ đó khâu tổ chức thành lập Hội còn hạn chế. III.- Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016: 1.- Dự báo về đặc điểm tình hình năm 2016: - Trong năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Thông báo số 217-TB/TW ngày 06/11/2015 Thông báo ý kiến của Ban Bí thư về kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam; Tỉnh ủy Kiên Giang đã có Công văn số 1294-CV/TU về chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW và Công văn số 55-CV/VPTU về giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo thực hiện Thông báo số 217-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động công tác Hội. - Qua phương tiện truyền thông, cộng đồng đã nhận thức và ngày càng quan tâm, chia sẻ đối với nạn nhân chất độc da cam, trong đó có đối tượng nhiễm chất độc da cam là dân thường, tạo điều kiện tốt trong hoạt động của Hội. 2.- Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2016: a.- Công tác tuyên truyền: - Tiếp tục phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, ban ngành có liên quan và cơ quan truyền thông, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Báo Kiên Giang, đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung cơ bản về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động của Trung ương Hội đối với nạn nhân chất độc da cam, kết quả của cuộc đấu tranh yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam, nhất là những vấn đề liên quan đến con người cho hội viên và nhân dân được biết, để có tiếng nói chung ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam nhằm chia sẻ khó khăn với những số phận, cảnh đời bất hạnh của nạn nhân, từ đó giúp cho cộng đồng xã hội hiểu và đồng cảm với nạn nhân, chung tay góp sức cùng Tỉnh hội chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Qua đó tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống “tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn” của mọi thành viên trong xã hội, nêu cao tinh thần tự nguyện ủng hộ theo khả năng của mình, góp phần tạo thêm nguồn lực giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam từng bước vươn lên trong cuộc sống. - Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam tỉnh Kiên Giang (10/8/1961-10/8/2016) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8). - Phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền cho các nạn nhân chất độc da cam và người bị nghi nhiễm là nữ trong độ tuổi sinh sản về chăm sóc và tư vấn về vấn đề sinh sản. b.- Công tác tổ chức: - Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng hoạt động, trọng tâm là hướng về cơ sở và phát triển hội viên, dự kiến kết nạp mới 100 hội viên. - Tập huấn công tác Hội cho các thành viên Ban Chấp hành Tỉnh hội và những hội viên có điều kiện hoạt động tích cực để chuẩn bị thành lập Ban vận động ở các huyện có đông nạn nhân chất độc da cam và có nhu cầu thành lập Hội. - Tỉnh hội phối hợp với Ban Dân vận tỉnh, các ngành có liên quan, các huyện có đông nạn nhân chất độc da cam và có nhu cầu thành lập Hội, trước mắt hướng dẫn thành lập Ban vận động những nơi có đủ điều kiện và tiến tới tổ chức Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin cấp huyện; dự kiến thành lập Hội ở 03 huyện: An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận theo qui định của pháp luật hiện hành. - Tiếp tục phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Cựu Chiến binh tỉnh khảo sát và nắm lại số đối tượng là nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật nghi nhiễm chất độc da cam và cháu của nạn nhân chất độc da cam đang hưởng chính sách bị dị dạng, dị tật trên địa bàn tỉnh để lập hồ sơ đối tượng khó khăn cần trợ giúp. - Tỉnh hội làm việc với Hội Cựu chiến binh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh về chương trình đã ký kết liên tịch hàng năm, có cần điều chỉnh, bổ sung thêm cho phù hợp tình hình thực tế trong công tác phối hợp thực hiện công tác Hội. c.- Công tác kiểm tra: Thiện đúng công tác kiểm tra theo Điều lệ Hội và hướng dẫn của Trung ương Hội. d.- Công tác trợ giúp: - Phối hợp vận động các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm … ủng hộ, giúp đỡ đi thăm, động viên và tặng quà cho các nạn nhân CĐDC nhân dịp Tết nguyên đán và kỷ niệm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8)”. - Vận động các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ cất mới nhà cho đối tượng gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. - Hỗ trợ vốn cho những hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam có điều kiện chăn nuôi, sản xuất. - Tặng học bổng các em học sinh là nạn nhân CĐDC và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có tinh thần vượt khó trong học tập. - Vận động và tặng xe chuyên dùng cho những đối tượng bị bại não và trợ giúp tiền khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam có nhu cầu. - Tiếp tục vận động trợ giúp gạo hàng tháng cho gia đình nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có từ 2 nạn nhân trở lên. đ.- Công tác thi đua-khen thưởng: Phấn đấu hoàn thành tốt công tác theo những nội dung trong Bản đăng ký thi đua năm 2016. Đề nghị khen thưởng và biểu dương những gương nạn nhân vượt khó; tôn vinh những tấm lòng vàng đã ủng hộ, giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam và công tác Hội trong thời gian qua. 3.- Tổ chức thực hiện: Để thực hiện công tác đạt kết quả cao trong năm 2016, Tỉnh hội cần tổ chức thực hiện: - Tranh thủ làm việc với Lãnh đạo UBND các huyện có đông nạn nhân chất độc da cam và có nhu cầu thành lập Hội về việc tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin ở cấp huyện. - Tuyên truyền, vận động các nạn nhân chất độc da cam và những người có tâm huyết, tán thành Điều lệ Hội tự nguyện gia nhập hội viên. - Nghiên cứu-nắm chặt các chính sách hiện hành liên quan đến nạn nhân chất độc da cam để hướng dẫn, giải thích cho các đối tượng nạn nhân CĐDC về chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời góp phần phát hiện những sai trái trong việc làm giả hồ sơ để hưởng chính sách nạn nhân chất độc da cam. - Tích cực và chủ động tạo mối liên hệ với các cơ quan, đơn vị, các cơ sở từ thiện, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh trong công tác vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. - Trong các vấn đề về môi trường, con người, chính sách … liên quan đến chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phối hợp với Sở Lao động-Thương binh & Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, để thống nhất các vấn đề và làm tham mưu cho UBND tỉnh trong báo cáo đến các cơ quan hữu quan. - Điều tra nắm lại số lượng nạn nhân chất độc da cam (kể cả đối tượng nghi nhiễm chưa được hưởng chính sách nạn nhân) và thực tế hoàn cảnh sống của từng gia đình để có hướng kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ. Trên đây là kết quả hoạt động công tác Hội năm 2015 và phương hướng hoạt động công tác năm 2016 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Kiên Giang. TM. Hội NNCĐDC/Dioxin Tỉnh Chủ tịch
Đã Ký
Trần Thu Vân
Số lần đọc: 2085
|
Ý kiến phản hồi
|
|
|
Tin liên quan
|