20.12.2019

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo thống kê, từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học phun rãi  1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam, 61% tổng số đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin. Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến, với liều lượng 1 picogram (một phần nghìn tỷ gam) có thể gây bệnh ung thư, tai biến ở người; vài chục nanô gam (phần tỷ gam) có thể lập tức gây chết người, chất độc da cam di truyền xuyên thế hệ từ đời này sang đời khác. Cả nước có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và trên 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, không có một giây phút sống như người bình thường. Riêng tỉnh Kiên Giang có 55 km2 bị phun rãi chất độc hóa học, khối lượng phun rãi 40.784 gallon, tổng lượng dioxin đọng lại tại tỉnh 1,21 kg.

Sau ngày thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm chăm lo đời sống cho người có công cách mạng, thực hiện kịp thời chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và người khuyết tật. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 1.329 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ đang hưởng chính sách ưu đãi người có công cách mạng (trong đó 892 ngưởi trực tiếp và 437 người gián tiếp); có 20.549 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng (trong đó có 6.435 người khuyết tật đặc biệt nặng nghi nhiễm chất độc hóa học).

Mặc dù Nhà nước đã ban hành các chính sách trợ cấp cho các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học và người khuyết tật; nhưng đa số hộ gia đình có nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật, nhất là những hộ gia đình có từ 02 người khuyết tật đặc biệt nặng trở lên đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, do mức hỗ trợ thấp, đồng thời do phải thường xuyên chăm sóc nạn nhân, không có điều kiện để lao động kiếm sống; nhiều hộ lâm vào cảnh khó khăn về nhà ở, chi phí khám, chữa bệnh, chi phí học tập cho con, vốn để sản xuất...Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam và gia đình có từ 02 nguời khuyết tật đặc biệt nặng trở lên lâm vào hoàn cảnh khó khăn như: Ông Tô Quang Hân xã Mỹ Lâm huyện Hòn Đất có 02 con, Ông Vũ Mão xã Sơn Kiên huyện Hòn Đất có 02 con bị ảnh hưởng chất độc da cam...Hộ bà Võ Thị Hoàng xã Thạnh Lộc huyện Châu Thành có 04 người con khuyết tật khiếm thị, Hộ ông Bùi văn Thảo xã Thạnh Phước huyện Giồng Riềng có 04 con khuyết tật thần kinh tâm thần, Hộ ông Lê Văn Hà xã Hòa An huyện Giồng Riềng có 02 con khuyết tật đặc biệt nặng....

Trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang đã phát huy vai trò trách nhiệm vận động nguồn lực hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, nguồn lực vận động của Hội còn hạn chế, còn nhiều hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật đặc biệt nặng trên địa bàn tỉnh rất cần sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để giúp vơi đi những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Số lần đọc: 796
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Tiêu đề gởi *
Nội dung gởi *
 
Nhập chữ và số ở trên
 
 
Tin liên quan