05.03.2024
GIỚI THIỆU VỀ HỘI
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Kiên Giang được thành lập theo
Quyết định số 1055/QĐ-UBND ngày 24/4/2008 của UBND tỉnh Kiên Giang;
Hội đã tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ I (2008-2013) vào ngày 29/8/2008.
Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phía Tây Nam tổ quốc, dân số hơn 1,7 triệu người. Những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng U Minh Thượng và một số vùng tây sông Hậu là khu căn cứ cách mạng, giao Thông đi lại khó khăn, với mục đích truy tìm đánh phá làm tiêu hao lực lượng cách mạng, Mỹ đã ...
Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phía Tây Nam tổ quốc, dân số hơn 1,7 triệu người. Những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng U Minh Thượng và một số vùng tây sông Hậu là khu căn cứ cách mạng, giao thông đi lại khó khăn, với mục đích truy tìm đánh phá làm tiêu hao lực lượng cách mạng, Mỹ đã dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn và phun rãi nhiều chất hóa học làm hủy hoại môi trường sinh thái, nhiều người dân sống ở vùng này bị phơi nhiễm chất độc hại, dẫn đến nhiều hệ lụy cho các thế hệ sau này. Đến nay theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có trên 22.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng 30% nghi nhiễm chất độc da cam, đa số đối tượng này sống trong hộ gia đình nghèo đặc biệt khó khăn, thuộc vùng sâu căn cứ kháng chiến của tỉnh, số còn lại thuộc diện hộ cận nghèo. Trước tình hình chung về thực trạng nạn nhân chất độc da cam và người bị nghi nhiễm trên cả nước và riêng tỉnh Kiên Giang, ngày 20/7/2007 Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh ra Quyết định thành lập Ban vận động gồm 12 thành viên (trong đó có 01 Trưởng ban, 01 Phó ban) gồm một số cán bộ hưu, các đồng chí lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình, các tôn giáo … Sau thời gian chuẩn bị, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Kiên Giang được thành lập theo Quyết định số 1055/QĐ-UBND ngày 24/4/2008 của UBND tỉnh Kiên Giang; Hội đã tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ I (2008-2013) vào ngày 29/8/2008 và chính thức đi vào hoạt động. Trong nhiệm kỳ I (2008-2013) Ban Chấp hành Hội có 23 thành viên, gồm 01 Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch (01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm là Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội); Bà Trần Thu Vân giữ chức danh Chủ tịch Hội; tổng số hội viên của Hội là 120 người. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Kiên Giang tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ II (2013-2018) vào ngày 17-18/4/2013; Ban Chấp hành gồm 27 thành viên, 01 Chủ tịch và 02 Phó Chủ tịch (01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm là Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội); Bà Trần Thu Vân tái đắc cử Chủ tịch Hội; tổng số hiện nay trên 700 hội viên. Thành viên Ban Chấp hành Hội là các cán bộ hưu, cán bộ đương chức ở các cơ quan có liên quan, các cơ sở tôn giáo, tổ chức từ thiện-xã hội, các mạnh thường quân, những người có tâm huyết, nhiệt tình với công tác Hội. Tổng số nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh hiện đang hưởng chính sách trợ cấp là 1.212 người, trong đó nạn nhân trực tiếp là 825 người và nạn nhân gián tiếp là 387 người. Trụ sở của Hội hiện nay: số 05 đường Thành Thái, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Hiện Tỉnh hội có 01 Hội trực thuộc là Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Rạch Giá. Tôn chỉ-mục đích của Hội: - Hội được thành lập nhằm huy động mọi tiềm năng của xã hội, của các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài, tạo mọi điều kiện hỗ trợ giúp đỡ để các nạn nhân chất độc da cam cùng gia đình vượt qua khó khăn, mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. - Hội động viên, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam phấn đấu khắc phục khó khăn, bệnh tật; tổ chức chăm lo, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Chức năng của Hội: - Tuyên truyền, vận động các tầng lớp xã hội phát huy truyền thống của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, đùm bọc, yêu thương giúp đỡ về tinh thần, vật chất để nạn nhân chất độc da cam vượt qua đau đớn về thể xác, giảm bớt được những khó khăn trong cuộc sống, khuyến khích chiến thắng bệnh tật, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan để tiếp tục lao động cống hiến cho xã hội. - Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân chất độc da cam. - Thay mặt các nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Kiên Giang, tham gia cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam tại diễn đàn Quốc tế, các tổ chức Quốc tế để đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam do họ gây ra tại Việt Nam.
Số lần đọc: 144
|
Ý kiến phản hồi
|
|
|
Tin liên quan
|