08.04.2014
Tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền Nam, nhiều người không may nhiễm chất độc hóa học trước khi xuất ngũ. Người bị chất độc hành hạ bằng những căn bệnh nguy hiểm, có người để lại di chứng cho thế hệ con, cháu. Dù hậu quả ở mức nào, nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần vẫn ngày ngày hiện hữu. Mặc dù chịu nhiều mất mát, hy sinh, song nhiều người chưa được giải quyết chế độ nạn nhân chất độc da cam.

6 nghìn hồ sơ tồn đọng

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hải Phòng có khoảng 17.047 người hoạt động kháng chiến, cùng các con của họ bị phơi nhiễm và nhiễm chất độc hóa học. 14/15 quận, huyện có nạn nhân chất độc da cam (trừ huyện Bạch Long Vĩ). Trong số này, 4700 trường hợp được hưởng trợ cấp ưu đãi. Hiện Hải Phòng còn khoảng 6000 hồ sơ đang chờ giải quyết chế độ này… Có những trường hợp gửi hồ sơ 3-4 năm nay chưa được giám định để xét duyệt, thậm chí có trường hợp qua đời mà chưa kịp hưởng chế độ như ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1950, ở tổ dân phố số 14, phường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An) vừa nhận phúc quyết thì đã qua đời vì bệnh ung thư.

Theo đại tá Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, nguyên nhân khiến nhiều người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng trợ cấp xã hội là do, trong quá trình lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, họ không lưu giữ đủ một số giấy tờ theo quy định bắt buộc theo tinh thần Nghị định số 54/2006/CP của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung mục 7, Thông tư số 07/2006 hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, gồm 14 loại giấy tờ liên quan chứng minh địa bàn hoạt động ở chiến trường, sức khỏe hiện tại của người hoạt động kháng chiến, tình trạng dị dạng, dị tật của con, chứng từ điều trị của bệnh viện, biên bản họp của địa phương, danh sách niêm yết những người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học của UBND cấp xã… Trong khi đó, phần đông người dân, nhất là nông dân không còn lưu giữ hồ sơ, lý lịch, giấy tờ liên quan đến người hoạt động kháng chiến, lại thiếu người hướng dẫn, kê khai dẫn đến sai sót nhiều lần, quá trình giám định phải chờ đợi kéo dài nên nản chí và bỏ cuộc.

Cũng theo đại tá Nguyễn Hữu Ý, trong quá trình triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết chế độ chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn thành phố còn một số vướng mắc. Theo Thông tư 1609/2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xử lý vướng mắc khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ này, trước mắt chỉ tiếp nhận và giải quyết đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư và người có bệnh án trước ngày 7/4/2009 (thời điểm Thông tư 08/2009 hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được ban hành). Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ tiếp nhận hồ sơ và chuyển đến Hội đồng giám định Y khoa những bệnh tật nằm trong danh mục của Quyết định số 09/2008 của Bộ Y tế, không giới thiệu những bệnh tật nằm ngoài danh mục. Nhưng thực tế, theo số liệu của Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố, lượng hồ sơ liên quan đến bệnh ung thư không nhiều mà chiếm phần lớn là các bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính, bán cấp tính, tiểu đường type 2, vô sinh, dị dạng bẩm sinh (thế hệ con, cháu) và rối loạn thần kinh…

Đẩy nhanh tiến độ giám định

Theo đại tá Nguyễn Hữu Ý, việc giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là yêu cầu bức thiết góp phần giảm bớt khó khăn, tránh suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Trách nhiệm này không chỉ của ngành Lao động-Thương binh-Xã hội, Y tế, mà các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, tổ chức giám định kịp thời, giảm tải lượng hồ sơ tồn đọng và sự chờ đợi căng thẳng, nhất là với những người tuổi cao, sức yếu, bệnh trọng; đồng thời chỉ đạo các cấp cơ sở hướng dẫn, thông tin đầy đủ, thực hiện đúng quy định về thời gian lập hồ sơ cho đối tượng tiếp theo….Thành phố xem xét bổ sung biên chế đội ngũ giám định viên, góp phần đẩy nhanh tiến độ giám định hồ sơ, giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Mặt khác, Bộ Y tế xem xét đưa một số loại bệnh như cao huyết áp, vô sinh nam, bệnh do suy giảm miễn dịch làm mất sức lao động từ 21% trở lên, bệnh tim, bệnh run tay chân do Hội đồng tư vấn Y khoa Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đề xuất vào danh mục những loại bệnh liên quan đến chất độc da cam/điôxin, bảo đảm quyền lợi cho người có công, đồng thời tạo điều kiện về mặt pháp lý để giải quyết số hồ sơ tồn đọng hiện nay.

Số lần đọc: 1115
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Tiêu đề gởi *
Nội dung gởi *
 
Nhập chữ và số ở trên
 
 
Tin liên quan