08.04.2014
Ngày 10/4, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc chạy trợ cấp chế độ chất độc da cam. Đây là vụ việc gây sự chú ý của dư luận bởi con số nạn nhân đã lên đến mức kỷ lục: khoảng 800 người và đều là bộ đội phục viên, từng công tác tại các chiến trường miền Nam. Chính vì thế, số tiền mà các đối tượng chia nhau chiếm đoạt của các nạn nhân cũng lên đến khoảng 5 tỷ đồng…
Cầm đầu đường dây này là Trần Anh Quyết, 60 tuổi, trú ở phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc), cũng là bộ đội phục viên. Xuất phát hành vi lừa đảo của Quyết từ tháng 4/2009 khi ông ta được về Hà Nội tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn. Tại buổi lễ kỷ niệm, Quyết nghe được một số người bàn tán về việc những người từng tham gia chiến đấu và những người dân sống ở các tỉnh từ Quảng Trị trở vào phía Nam bị đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học sẽ được Nhà nước cho hưởng trợ cấp chế độ chất độc da cam. Mặc dù chỉ nghe lời bàn tán, không hề biết Nhà nước có thực hiện chủ trương trên hay không, Quyết đã nghĩ ra kế hoạch để lừa đảo tiền của những người đã từng tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thời gian từ 30/4/1975 trở về trước. Từ tháng 3/2010, Quyết đã gặp nhiều người, tự giới thiệu mình có thể giúp họ làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp chế độ chất độc da cam. Với mỗi hồ sơ, nếu nộp lệ phí 7,6 triệu đồng thì sẽ được hưởng mức trợ cấp 2,03 triệu đồng/tháng; còn nếu nộp lệ phí 2,6 triệu đồng thì sẽ được hưởng mức trợ cấp 1,4 triệu đồng/tháng. Quyết khẳng định như “đinh đóng cột” với các bị hại: tháng 6/2012, tất cả những ai đã nộp lệ phí sẽ bắt đầu được nhận trợ cấp hàng tháng cho đến chết. Để tạo thêm lòng tin đối với các nạn nhân, Quyết đã đặt in mẫu hồ sơ để yêu cầu những người có nhu cầu hưởng trợ cấp chế độ chất độc da cam hoàn thiện, gồm: 1 đơn xin gia nhập Hội Cựu chiến binh chiến sỹ Trường Sơn, 1 đơn xin xác nhận thời gian công tác trong quân đội để xin giấy xác nhận Quân nhân thuộc đơn vị chiến đấu trong khu vực có chất độc hóa học… Tiếp đó, Quyết đặt mua nhiều Lưu niệm chương hoặc Kỷ niệm chương chiến sỹ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh; Giấy tặng Kỷ niệm chương quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào; Giấy chứng nhận thành viên Ban liên lạc truyền thống chiến sỹ Trường Sơn… Những giấy tờ này đều chưa in tên người được nhận. Sau đó, Quyết đem các giấy tờ trên in tên những người đã nộp hồ sơ và lệ phí, phát kèm Kỷ niệm chương để mọi người tin rằng: Quyết là người được cấp trên giao nhiệm vụ làm hồ sơ hưởng trợ cấp chế độ da cam. Trong quá trình lừa đảo, để màn kịch hoàn hảo và thu thêm được nhiều tiền hơn nữa từ các bị hại, Quyết đã đứng ra tổ chức và yêu cầu những người đã nộp hồ sơ nộp thêm 2 triệu đồng để đi thăm các chiến trường xưa như: Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị… Để “ăn tận gốc”, Quyết đã mua 2 chiếc ôtô cũ làm phương tiện chở các đoàn đi thăm chiến trường xưa. Rất thủ đoạn, khi quay về đến Quảng Trị, Quyết bảo cả đoàn dừng lại, ông ta đi vắng một lúc rồi quay lại bảo mọi người rằng mình vừa vào Ban chỉ đạo Trường Sơn để đăng ký và chuyển ảnh của những người đã đi và chụp ở nghĩa trang Trường Sơn (theo thông báo của Quyết, ai vào nghĩa trang Trường Sơn mới được cấp trợ cấp chế độ). Chỉ cho chúng tôi những chiếc xe khách mà đối tượng Quyết mua lại, chở các đoàn cựu chiến binh vào chiến trường xưa, một điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc lắc đầu: các xe trên đều thuộc diện cũ nát, Quyết mua với giá rất rẻ, sau đó về sơn, tân trang lại để chở mọi người vào chiến trường xưa. Rất may, vụ việc đã được cơ quan Công an khám phá, nếu không, ai dám chắc, với đoạn đường di chuyển dài từ đây vào các tỉnh miền Trung Nam Bộ, những chiếc xe cũ nát này không gây hậu họa cho các đồng chí cựu chiến binh bị Quyết lừa gạt? Để thu được nhiều tiền, Quyết tuyển hàng chục đầu mối thu gom cho mình tại tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội, qua đó thu được khoảng 800 hồ sơ với tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng. Số bị hại trên đều là những người đã từng ở quân ngũ, thuộc các tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Tuyên Quang… Trong đó, Quyết đã trực tiếp chiếm đoạt khoảng 2,6 tỷ đồng, còn lại các đầu mối thu gom ăn chặn mỗi người một ít. Trong số các đầu mối kể trên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phân loại để làm rõ ý thức chủ quan của họ. Qua đó, đã xác định và bắt tạm giam đối với Ngô Sơn Đô, 63 tuổi, trú tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Đây là đối tượng dù biết rõ ràng Quyết không có khả năng làm trợ cấp cho mọi người nhưng vẫn nhắm mắt làm liều vì lợi nhuận. Tổng cộng, Đô đã thu 279 hồ sơ với số tiền thu được là 4,1 tỷ đồng. Trong đó, Đô chỉ chuyển cho Quyết 1,8 tỷ đồng, còn ăn chặn lại 2,3 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, cơ quan Công an đã thu hồi được của Trần Anh Quyết và các đầu mối thu gom số tiền khoảng hơn 2 tỷ đồng và thu giữ 2 chiếc xe ôtô 12 chỗ ngồi mà đối tượng Quyết sử dụng số tiền chiếm đoạt được mua. Theo các cơ quan tố tụng cho biết, sau khi vụ việc được đưa ra tòa án xét xử, phía tòa án sẽ tiến hành định giá 2 chiếc xe ôtô nói trên, sau đó sẽ phân chia số tiền tang vật (gồm cả tiền thanh lý xe ôtô) cho các bị hại. Như vậy, nếu tính toán sơ bộ, mỗi bị hại có khả năng sẽ nhận được một phần (khoảng một nửa) số tiền mình đã bị lừa đảo. Đây cũng là thông tin đáng mừng cho các nạn nhân đã lỡ bị mắc trò lừa đảo của bọn Quyết.
Số lần đọc: 1446
|
Ý kiến phản hồi
|
|
|
Tin liên quan
|