08.04.2014
BTO- Qua điều tra, khảo sát mới đây, hiện trên địa bàn tỉnh có 5.579 người nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, người tham gia kháng chiến bị nhiễm trực tiếp là 734 và con cháu của họ bị nhiễm 962 người; người dân sống ở vùng nhiễm chất độc da cam bị phơi nhiễm là 3.753 người (có 825 người bị nhiễm trực tiếp và 2.928 người là con cháu của họ).

Tuy nhiên, cho đến nay trong số đó mới chỉ có 600 người được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Chính phủ, trong đó có 362 người hoạt động kháng chiến và 238 con đẻ của họ. Như vậy mới chỉ khoảng 10,7%  số người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ, một tỷ lệ rất thấp.

Điều đó cho thấy việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều bất cập, gây thiệt thòi cho các đối tượng. Nguyên nhân chủ yếu là do các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương liên tục thay đổi và chưa kịp thời bổ sung. Cụ thể là Công văn số 1609 ngày 23/5/2011 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn xử lý vướng mắc khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học ban hành chưa kịp thực hiện, thì ngày 9/4/2012 Bộ lại ban hành Công văn 1040 hướng dẫn chỉ giải quyết hồ sơ cho các đối tượng hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh ung thư theo danh mục tại Quyết định 09 ngày 20/2/2008 của Bộ Y tế (gồm 17 danh mục bệnh, tật, dị dạng có liên quan đến chất độc da cam). Các đối tượng còn lại chờ các bộ, ngành có liên quan ban hành quy trình xác định nạn nhân chất độc da cam. Nhưng đến nay đã hơn 7 tháng  vẫn chưa có quy định mới, gây bức xúc cho các đối tượng còn lại.

Như vậy, hiện tại chính sách cho đối tượng bị nhiễm chất độc da cam chỉ thực hiện cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Tuy nhiên, chỉ những người nằm trong danh mục 17 bệnh tật theo quyết định của Bộ Y tế, còn lại những người cũng đối tượng này nhưng mắc bệnh khác như tiểu đường, thần kinh ngoại biên…đều tạm dừng và trả lại hồ sơ như Đức Linh 38 hồ sơ, Phan Thiết 98 hồ sơ…

Mặt khác, chính sách cho đối tượng bị nhiễm chất độc da cam hiện nay chưa tính đến thế hệ thứ 3 (đời cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, bị dị tật, dị dạng đã có xảy ra) và những trường hợp cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu trên đất nước bạn và đóng quân tại những điểm nóng bị nhiễm chất độc hóa học sau ngày 30/4/1975 mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh.

Từ tình hình trên, thiết nghĩ tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan như Lao động TBXH, Y tế, Quốc phòng sớm ban hành Quy trình xác định nạn nhân chất độc hóa học/dioxin. Kiến nghị  Bộ Y tế sớm rà soát danh mục các bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; cụ thể hóa các loại bệnh tật nghiêm trọng nhất, có khả năng chẩn đoán, điều tra, xác định; ban hành các tiêu chí chẩn đoán bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời kiến nghị xem xét có chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu trên đất nước bạn và đóng quân tại những điểm nóng bị nhiễm chất độc hóa học sau ngày 30/4/1975 mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh và thế hệ thứ 3 của những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam.

Hiện nay số người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm trực tiếp chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng chế độ còn nhiều bởi lý do nói trên và cũng một phần do quy trình làm hồ sơ xét duyện khá phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì thế cùng với việc kiến nghị với trên sửa đổi bổ sung chính sách, thì cần phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác chính sách nhất là cấp xã nắm chắc quy trình, thủ tục hồ sơ để hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho đối tượng trong việc xác lập hồ sơ, tránh làm đi làm lại nhiều lần.

Số lần đọc: 1246
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Tiêu đề gởi *
Nội dung gởi *
 
Nhập chữ và số ở trên
 
 
Tin liên quan